Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013


Theo TSKH Trần Văn Nhị, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trước khi quyết định mua máy lọc nước, người tiêu dùng cần xác định rõ nguồn nước lọc và mục đích sử dụng nước lọc để có lựa chọn hệ thống lọc phù hợp, tránh lãng phí mà không đem lại hiệu quả cao.

Phân loại lọc

Lọc nước cần phân loại theo mục đích, yêu cầu sử dụng và có thể  tạm chia thành 3 nhóm gồm: Lọc thô để lấy nước sinh hoạt; Lọc riêng nước ăn và lọc nước tinh khiết. Lọc thô thường là hệ thống lọc khử  sắt để lấy nước sinh hoạt. Ở những vùng chưa có hoặc còn hạn chế nguồn nước máy, khoan lấy nước ngầm sử dụng là một cách làm khá phổ biến. Tuy nhiên, nguồn nước này có chứa nhiều sắt khiến màu nước vàng.

Thực tế, nước có chứa sắt không độc nhưng bẩn về mặt cảm quan. Nước giếng khoan khi đã qua hệ thống lọc sắt, sẽ trong hơn, cho cảm giác là nước sạch, nhưng chỉ nên dùng làm nước sinh hoạt, tắm giặt. Nếu dùng làm nước ăn cần phải xử lý lọc các độc chất. Bởi một số chất có trong nước chỉ độc khi dùng làm nước nấu ăn, nước uống.

Đối với các loại máy lọc này, người mua cần tính toán kỹ quy mô sử dụng nước, bởi nếu chỉ dùng lọc độc chất cho nước ăn uống thì chỉ cần quy mô nhỏ, công suất ít, chỉ vài chục lít mỗi ngày. Một số gia đình có điều kiện có thể sử dụng hệ thống lọc này với quy mô lớn, dùng cho cả nước sinh hoạt, tắm giặt.
Nhóm lọc nước tinh khiết thường là lựa chọn cho các loại máy ngoại nhập, với thiết kế hiện đại, tự động, lọc nước ăn với các tiêu chuẩn đảm bảo, thậm chí có những loại có thể lọc vi khuẩn nên nước đầu ra uống được luôn. Tuy nhiên, loại máy này thường có chi phí cao và có điểm hạn chế là khi hỏng hóc cần thay thế linh kiện hay sửa chữa rất khó vì không phải lúc nào cũng có sẵn, thậm chí chi phí thay thế linh kiện gần tương đương tiền mua máy mới. Một số hệ thống máy lọc của Việt Nam sản xuất cũng có thể lọc được nước, đáp ứng yêu cầu xử lý tương tự như máy ngoại nhập, nhưng mức độ thiết kế gọn đẹp, hiện đại và tiện lợi thì không bằng.

Những độc chất cần loại bỏ

Ngoại trừ một số địa điểm đặc biệt như gần các kho chứa thuốc trừ  sâu, chứa hóa chất độc hại, hoặc gần bãi thải, gần các cơ sở công nghiệp... cần xét nghiệm nhiều chỉ số riêng cho chất lượng nước, còn nhìn chung để lọc nước ăn ở những khu vực thông thường, các hệ thống máy lọc phải loại bỏ được một số các độc chất cơ bản như sau: Sắt, mangan, asen, nitơ (dạng amoni và nitrit), các chất hữu cơ...  Trong đó, sắt (Fe) thường có mặt trong nước ngầm, đã được loại bỏ qua quá trình xử lý nước của nhà máy, do vậy chỉ các gia đình sử dụng nước giếng hay nước giếng khoan mới cần chú ý lọc sạch sắt để nước trong, không có váng màu vàng. Mangan (Mn) là chất khi tồn tại trong nước ăn sẽ có nguy cơ gây một số bệnh hệ thần kinh. Dấu hiệu nhận biết nước có chứa nhiều Mn là khi để nước trong chum vại một thời gian sẽ thấy bên thành chum có những mảng bám màu đen là do Mn bị oxy hóa.

Asen được biết đến là  chất gây ung thư, có mặt trong nước ngầm, đặc biệt nhiều ở một số vùng. Asen không thể  lọc sạch trong nước máy, chỉ có thể giảm bớt phần nào hàm lượng do quá trình xử lý  sắt của nhà máy kéo theo một ít asen cùng kết tủa. Nitơ (dạng amoni và nitrit, nitrat) là những chất khi ăn vào sẽ tác động với một số chất trong cơ thể tạo thành những tác nhân gây ung thư. Tiêu chuẩn cho phép của hàm lượng chất này trong nước ăn là rất thấp, bởi sự có mặt của các chất này cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm.
Chất hữu cơ (đo bằng chỉ  số oxy hóa), các chất lơ lửng (gây nên độ  đục, nhất là ở nước sông hoặc ở các vùng lũ lụt khi có phù sa lên) và một số chất khác chẳng hạn như clo (tồn dư trong quá trình khử trùng nước của nhà máy)... cũng là những vấn đề cần chú ý đối với nguồn nước ăn.
Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét