Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013


Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe doạ sức khoẻ con người và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân. Tại Việt Nam không chỉ là khói, bụi, rác thải, nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường không khí, mà ngay cả môi trường đất và nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm rất nặng. Trong khi đó nhà chức trách của chúng ta vẫn chưa thể tìm ra biện pháp đối phó hữu hiệu.
I. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
1. Môi trường đất
Môi trường đất tại Việt Nam hiện nay, từ miền đồng bằng đến miền trung du, đang bị thoái hóa mạnh. Miền trung du và vùng núi, mặt đất bị xói mòn mạnh, dẫn đến mặt đất bị rửa trôi, mất chất hữu cơ làm cho nhiều vùng đất bị cằn cỗi, không còn khả năng canh tác, dẫn đến việc diện tích đất bị hoang mạc hóa gia tăng. Trong khi đó, những vùng đồng bằng trồng lúa và hoa màu lại liên tục bị ngập úng, mặn hóa hay nhiễm phèn… tác động mạnh đến mùa màng.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc đất bị thoái hoá là do hiện tượng thiên tai đang ngày càng khốc liệt tại Việt Nam chúng ta. Hiện tượng thiên tai gia tăng đã và đang làm cho nhiều vùng đất liên tục bị lũ quét, trượt và sạt lở đất… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai trồng trọt và đời sống của người dân Việt. Theo khảo sát của Cục Khí Tượng Thủy Văn, cường độ mưa, lũ lụt và bão tố thường xuyên gia tăng tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Hiện tượng thiên tai gia tăng được xác định là có nguyên nhân từ việc phá rừng một cách bừa bãi.
Ngoài ra, môi trường đất còn bị ô nhiễm nặng do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả xét nghiệm môi trường cho thấy, một số vùng đất nông nghiệp bị ô nhiễm rất nặng. Chẳng hạn, vùng trồng rau tại thành phố Hồ Chí Minh, hàm lương CO trên tầng mặt đất dao động từ 9,9-15mg/k. Vùng rau Hóc Môn có hàm lượng chì trong đất từ 23-59mg/kg. Vùng Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội) hàm lượng nitơ trong đất từ 30-102mg/kg. Vùng đất gần nhà máy phân lân Văn Điển còn bị nhiễm các kim loại nặng như Cd, Cu, Pb và Zn. Tất cả những số liệu trên đây đều vượt quá ngưỡng cho phép về an toàn.
2. Môi trường nước
Nhìn chung, chất lượng nước ở thượng lưu các con sông còn khá tốt, nhưng vùng hạ lưu thì phần lớn lại bị ô nhiễm rất nặng, đặc biệt là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cầu, sông Đáy… Nguyên nhân là do nước thải của các nhà máy sản xuất, cùng với nước thải sinh hoạt không được xử lý mà đổ trực tiếp ra các con sông. Tại những nơi vừa nêu, nhiều chỉ tiêu như BOD, COD, NH4, N và P cao hơn tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần.
Không chỉ nước sông, mà ngay cả nước ngầm cũng đang có nguy cơ bị cạn kiệt và có dấu hiệu ô nhiễm. Nguyên nhân là do khai thác bừa bãi và không đúng kỹ thuật, cộng thêm nước thải và rác thải không xử lý tốt đang thấm dần vào trong lòng đất.
3. Môi trường không khí
Môi trường không khí ở Việt Nam tại các vùng nông thôn và miền núi còn khá tốt. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, các khu đô thị và khu công nghiệp thì đang bị ô nhiễm nặng do nồng độ khói và bụi rất cao.
Nguyên nhân do quá trình đô thị hoá tại Việt Nam đang diễn ra khá nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí. Khói bụi tại những nơi này đang trở thành một vấn đề cấp bách. Nồng độ bụi trong các khu dân cư bên cạnh các nhà máy, xí nghiệp hoặc gần các đường giao thông lớn vượt chỉ số cho phép từ 1,5-3 lần; tại những nơi đang xây dựng nhà cửa, đường xá vượt mức cho phép từ 10-20 lần. Việc gia tăng các phương tiện giao thông cũng đang gây ô nhiễm không khí ở rất nhiều nơi. Tại các nút giao thông lớn, nồng độ chì, khí CO khá cao.
II. ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM
1. Khí hậu biến đổi
Một trong những ảnh hưởng của môi trường đó là làm biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, người dân Việt Nam chúng ta kinh nghiệm rất rõ về sự biến đổi khí hậu. Khảo sát của Viện Khoa Học Khí Tượng Thuỷ Văn cho biết, tại Bến Tre, mực nước biển đã dâng lên khoảng 20 cm so với cách đây 10 năm.Những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều. Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng thiên tai tại nhiều nơi ở Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nét qua hiện tượng bão lụt xảy ra liên miên trong những năm gần đây, đặc biệt là tại miền trung. Thậm chí, những vùng trước đây không hề có bão, nhưng những năm gần đây cũng đã có. Chỉ tính riêng tại Huế, từ năm 1952 đến 2005 đã có 32 cơn bão; đồng thời cường độ mưa cũng tăng lên rõ rệt (chúng ta có thể thấy rõ điều này trong mấy tháng vừa qua).
Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của ông Chritophe Bahuet cảnh báo rằng nếu nhiệt độ tăng lên từ 3-4 độ C, các quốc đảo nhỏ và các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi mực nước biển dâng lên 1m, Việt Nam sẽ có khoảng 22 triệu người bị mất nhà cửa.
2. Biến đổi hệ sinh thái
Việt Nam là một trong mười quốc gia có đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất thế giới, trong đó có các hệ sinh thái đặc thù với nhiều giống, loài đặc hữu có giá trị khoa học và kinh tế cao, nhiều nguồn gien quí hiếm. Ngoài ra, một số loài động vật trên thế giới lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự đa dạng về sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai dẫn tới việc thu hẹp dần nơi cư trú của các loài, việc buôn bán trái phép động thực vật quí hiếm và ô nhiễm môi trường. Trong 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn đã bị giảm đến 80%, 96% các rạn san hô đang trong nguy cơ bị huỷ hoại nghiêm trọng, nhiều giống loài hoang dã đã bị biến mất vĩnh viễn.
3. Ảnh hưởng đến sức khoẻ con người
Theo đánh giá của tiến sĩ Trần Hồng Hà, hiện nay Việt Nam chúng ta đang bắt đầu phải trả giá về mặt sức khoẻ con người do một thời gian dài chưa thật sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cụ thể là ngày càng xuất hiện nhiều điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như những “làng ung thư” ở Hà Tây, Phú Thọ, Hải Phòng…
Thực tế cho thấy, tại một số khu dân cư gần khu công nghiệp, nồng độ khí SO2, CO2 và NO2 đều vượt tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm nội vi. Thêm vào đó là rác thải y tế, rác thải sinh hoạt và khoảng 774 ngàn tấn chất thải công nghiệp từ các làng nghề truyền thống không được xử lý triệt để. Tất cả đang đe doạ môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng dân cư. 
Theo thống kê của Bộ Y Tế, hàng năm, cả nước có gần 200 ngàn người bị mắc bệnh ung thư mới phát hiện. Riêng bệnh viện K Hà Nội, trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm tiếp nhận trung bình khoảng 150 ngàn người bị ung thư mới phát hiện. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư ngày càng tăng, theo đánh giá tổng hợp của bộ Y Tế và bộ Tài Nguyên Môi Trường, chính là do môi trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Trong khi đó, tổ chức y tế thế giới ghi nhận, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9 ngàn ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Số người chết vì nguyên do ô nhiễm không khí là hơn 16 ngàn người.
Ngoài ra, khi nói về tác động của môi trường trên sức khoẻ của con người, không thể không kể đến bệnh nghề nghiệp và nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất (hơn 40%) là nhóm người thường xuyên làm việc trong môi trường bụi như: công nhân mỏ, công nhân xây dựng, công nhân dệt… Đa số họ đều mắc những chứng bệnh về đường phổi như: viêm mũi, viêm phế quản, viên phổi… Thậm chí, khi đã ngừng tiếp súc với bụi, bệnh của họ vẫn tiếp tục phát triển. Trong khi đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật không thận trọng ngoài đồng hay được cất giữ không phù hợp trong nhà dễ dàng làm nhiễm bẩn nguồn nước, không khí hay thực phẩm. Những người bị nhiễm độc cấp hay tiếp xúc ở nồng độ thấp với các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ có nguy cơ bị ung thư, con cái bị dị tật bẩm sinh. Ngoài ra họ còn bị ảnh hưởng đến thần kinh và chức năng của tuyến nội tiết.
III. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH
1. Về mặt kinh tế xã hội
Quả thật, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sinh hoạt đời sống của con người.
Chỉ riêng quá trình đô thị hoá như tốc độ hiện nay tại Việt Nam cũng đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cách triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây trồng, nguồn nước bị suy thoái. Việc mở rộng không gian đô thị sẽ dẫn đến việc chiếm dụng đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến đời sống của nông dân. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm mạnh, trước kia nằm ở ngoại thành, nay do quá trình đô thị hoá đã lọt vào giữa khu dân cư đông đúc. Ngoài ra, đô thị hoá cũng làm gia tăng làn sóng người di dân từ nông thôn ra thành thị, gây nên áp lực về nhà ở và vệ sinh môi trường, đồng thời hình thành những khu nhà ổ chuột và khu nghèo. Đó là chưa kể đến sự bùng nổ giao thông cơ giới, gây kẹt xe triền miên, gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Kế đến là việc biến đổi khí hậu. Có thể nói biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lên đời sống của người dân ngày càng rõ ràng. Bão táp, lượng mưa tăng cao, lũ lụt, sạc lở đất… đang gây ra biết bao khó khăn cho đời sống của người nông dân Việt Nam: hoa màu, ruộng lúa bị thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, những hiện tượng thiên tai triền miên còn làm cho đất nông nghiệp bị bạc màu, làm sản lượng lương thực giảm, thu nhập thấp… số người nghèo, người suy dinh dưỡng gia tăng. Chính vì thế, theo đánh giá của ông Christophe Bahuet, mục tiêu đẩy lùi đói nghèo của Việt Nam khó có thể đạt được.
Có thể nói tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay đang làm xáo trộn về đời sống kinh tế, gây ra nghèo đói và gia tăng nguy cơ bệnh tật cho con người.
2. Về mặt luân lý
Nếu đọc lại trình thuật tạo dựng trong sách sáng thế 1,1-2,4a, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sách thánh mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng con người sau khi đã tạo dựng trời đất trăng sao cùng muôn loài muôn vật. Dưới cái nhìn về môi trường, chúng ta có thể khẳng định, Thiên Chúa đã ban cho con người một môi trường sống rất tốt lành.
Cũng chính trong bản văn sáng tạo ấy, Thiên Chúa còn ban cho con người một đặc quyền để con người thay mặt Thiên Chúa mà cai quản thế giới vật chất (St 1,26). Thế nhưng việc làm chủ ấy như thế nào là điều mà chúng ta cần nắm bắt và thấu hiểu. Thiên Chúa ban quyền làm chủ cho con người “không phải để cho con người trở thành bạo chúa, bá chủ thống trị và gây hoạ cho nhân sinh trên một hành tinh bị biến thành bãi rác, nhưng Thiên Chúa giao phó toàn thể vũ trụ cho con người. Con người sẽ sử dụng tất cả mọi sự, ngay cả sự sống để phát triển, trưởng thành, và đưa cuộc nhân sinh đến chỗ hoàn tất trước khi trở về với Thiên Chúa.”
Chính vì thế, khi đánh giá về việc khai thác tài nguyên môi trường, Giáo Hội đã khuyến cáo rằng: con người không được sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách không giới hạn, bừa bãi, thiếu tính toán. Hay nói cách khác, mục đích mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ đầu, con người có thể thừa hưởng, làm chủ và làm tăng trưởng môi trường thiên nhiên. Nếu đi trật với mục đích ấy, con người đã vô tình tiếm quyền Thiên Chúa, thay vì cộng tác với Người trong việc sáng tạo và xây dựng môi trường thiên nhiên, thì ngược lại, con người đã tận diệt môi trường sống của chính mình.
Cuộc sống con người luôn cần đến sự phát triển, thế nhưng phát triển như thế nào để không gây hại cho môi trường đó là một qui tắc mà chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đồng thời, trách nhiệm bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung  của mọi ngươi. Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và bảo vệ anh chị em đồng loại trong tinh thần liên đới. Nói cách khác, để thi hành quyền làm bá chủ do Đấng Tạo Hoá trao phó, con người đừng nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, nhưng phải chấp nhận tuân theo những qui tắc luân lý.”
Chúng ta có thể nói rằng: hành động huỷ hoại môi trường, dù là cố ý hay chỉ là vô tình, không những là tiếm quyền Thiên Chúa, nhưng còn là một tội phạm đến con người, cả những thế hệ đương thời lẫn những thế hệ tương lai.
Kết
Để kết luận, chúng ta có thể nói về con người Việt Nam cách chung trong ý thức bảo vệ môi trường. Nói chung, người dân Việt Nam chưa có ý thức cao về bảo vệ môi trường. Có thể đó là do tập quán, thói quen sống, thái độ bảo thủ, cục bộ… đã ăn sâu từ rất lâu trong tâm thức của người dân Việt Nam. Chính vì thế, quan niệm về môi trường, chúng ta thường hành xử theo kiểu “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Theo đánh giá của tổ chức Liên Hiệp Quốc thì: “nhận thức của công chúng đối với môi trường còn thấp, và do đó, người ta còn sẵn sàng chịu đựng tình trạng môi trường xuống cấp. Thái độ này cũng phần nào là do di sản lâu dài của hệ thống kế hoạch hoá tập trung theo chế độ sở hữu nhà nước đối với tất cả tài nguyên thiên nhiên, mà không khuyến khích ý thức trách nhiêm của cá nhân… Còn phải làm nhiều việc trước khi cá nhân, các nhóm dân sự, các tổ chức quần chúng, giới truyền thông báo chí và các doanh nghiệp có được tiếng nói mạnh mẽ về môi trường ở Việt Nam.”


Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét