Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013


Sông Đa Độ chảy qua địa bàn các huyện, đổ ra cửa sông Cổ Trai, huyện Kiến Thụy với chiều dài 50km. Cửa sông Cổ Trai – phía cuối của sông Đa Độ được xây cống Cổ Tiểu để tiêu nước Đa Độ ra biển Đông. Nhờ có dòng nước trao đổi, Đa Độ là con sông sạch, ít ô nhiễm, là nguồn cung cấp nước thô cho các Nhà máy nước Cầu Nguyệt ở quận Kiến An, Hưng Đạo ở quận Dương Kinh và Nhà máy nước ở quận Đồ Sơn. Vậy mà gần đây, sông Đa Độ đang bị xâm hại.
Hiện nay, hai bên bờ sông có nhiều nhà ở, công trình phụ, xưởng sản xuất, trang trại nuôi gia súc, gia cầm… ngay sát mép sông. Nhiều nơi, người dân làm quán bán hàng, chòi nổi trên mặt nước. Dòng sông Đa Độ đã và đang hứng chịu ô nhiễm gây bẩn nghiêm trọng. Các doanh nghiệp như ôtô Hoa Mai, ôtô Hữu Nghị, nến châu Á, nến Thuận Sinh,… thường xả nước thải trực tiếp xuống sông Đa Độ không qua xử lý.
Sông Đa Độ, Hải Phòng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sông Rế dài chừng 20km, là nguồn cung cấp chính nước thô cho Nhà máy nước An Dương và Nhà máy nước Vật Cách, công suất hiện tại của 2 nhà máy là 200.000m 3 /ngày, cung cấp toàn bộ nước sạch cho huyện An Dương, các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Hồng Bàng. Dòng sông này đang bị ô nhiễm đáng báo động do xả thải vô tư, chưa có xử lý của các cơ sở: Công ty Hanvico tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng; Công ty thép Vinakansai; Công ty đóng tàu Hồng Hà tại xã Lê Thiện, huyện An Dương xả nước thải công nghiệp vào kênh Kim Xá. Cũng trên địa bàn huyện An Dương và quận Hồng Bàng còn có hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm xả nước thải xuống kênh như các Công ty Quang Hưng, Thái Sơn, Tân Thuận Phong, Hoàng Huy, Minh Thanh…
Tình trạng xả nước thải và phế thải, rác thải rắn cũng đã và đang diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật với các kênh Chanh Dương, Ba Đồng ở huyện Vĩnh Bảo; sông Giá, Hòn Ngọc - nơi cung cấp nước cho các Nhà máy nước sạch Minh Đức, Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên; sông He cấp nước cho Nhà máy nước Đồ Sơn… Nước trên nhiều đoạn kênh, đoạn sông đen đặc, dầu mỡ lênh láng, lềnh bềnh túi nilon, xốp vụn, nồng nặc mùi hôi thối.
Mức độ ô nhiễm nước trên các tuyến sông nước ngọt của Hải Phòng không hề được cải thiện mà lại có dấu hiệu tăng dần sau mỗi lần quan trắc. Kết quả lấy mẫu nước tại 10 điểm trên sông Đa Độ và một số kênh thủy nông cấp I trong hệ thống do Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi Việt Nam cho thấy: Nồng độ ôxy hòa tan trong nước DO đạt 0,96mg02/l; hàm lượng coliform vượt 29,4 lần; E.coli vượt quy chuẩn từ 2,4 - 11 lần; hàm lượng amoni trong nước lên tới 7,7mg N/l, vượt từ 13 - 15 lần; hàm lượng NO 2 đạt 0,185 mN/l, vượt 4,63 lần; TSS trong nước là 340mg 02/l, vượt tiêu chuẩn cho phép 6,8 lần. Những con số đó cho thấy chất lượng nguồn nước dùng cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch đều không an toàn.
Chính quyền TP. Hải Phòng và các đơn vị quản lý đã và đang triển khai nhiều biện pháp như: Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ đã xây dựng đề án "Tăng cường quản lý công trình thủy lợi và bảo vệ nguồn nước giai đoạn 2010-2015" với các lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, để bảo vệ các nguồn nước ngọt của Hải Phòng, cần phải có những biện pháp đồng bộ: Phải coi trọng công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo vệ nguồn nước, cần sớm có quy hoạch hệ thống thu gom nước thải bệnh viện, khu công nghiệp tại địa phương; Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế suy giảm chất lượng nguồn cấp nước.
Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét