Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Ngoài nguồn chất thải công nghiệp, nước thải từ đất liền đổ ra, từ hoạt động, tai nạn tàu bè… thời gian gần đây môi trường ven biển vùng ĐBSCL còn gánh thêm nguy cơ từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng. Trong khi các giải pháp để hạn chế vấn nạn này dường như vẫn còn đang ở phía trước.
Đó là cảnh báo được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường và môi trường biển các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm 14/12 tại TP Rạch Giá (Kiên Giang).
Cửa sông Dương Đông (Phú Quốc - Kiên Giang) được xem như “cổng” chính dẫn nước thải từ khu dân cư "đầu độc" biển

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, tuy chưa được xếp vào loại ô nhiễm nghiêm trọng như một số quốc gia trên thế giới, nhưng biển Việt Nam đang ở giai đoạn báo động và có nguy cơ ô nhiễm cao trong tương lai gần. Bởi bên cạnh việc phải đối mặt với thực trạng cũ, như: hứng chất thải công nghiệp đổ ra từ các cửa sông, ô nhiễm chất hữu cơ từ nuôi trồng hải sản, từ hoạt động du lịch biển… môi trường biển ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ từ xu hướng phát triển mạnh các khu công nghiệp ở các vùng duyên hải và hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. 
Chính vì vậy, môi trường biển Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng suy giảm mạnh: Đã có 70 loài hải sản được đưa vào Sách đỏ và 85 loài được đưa vào tình trạng nguy cấp với nhiều cấp độ khác nhau… Không dừng lại ở đó, môi trường biển nơi đây đã và đang tiềm ẩn nguy cơ tăng vọt khi diện tích rừng ngập mặn ven bờ đang mất với tốc độ rất cao: Chỉ trong 50 năm gần đây đã mất 80% diện tích rừng ngập mặn. Điều này không chỉ đánh mất vẻ đẹp bờ biển, lợi thế của nền công nghiệp không khói, mà còn hủy hoại luôn “nhà máy lọc khổng lồ” của môi trường biển. 
ThS Nguyễn Văn Khiết  - Chủ tịch LH Hội KHKT Kiên Giang nhìn nhận: “Phú Quốc được xem là vùng biển đẹp của ĐBSCL nhưng thời gian gần đây môi trường biển đang có nhiều dấu hiệu bị ô nhiễm. Thậm chí rác thải đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến hòn đảo xinh đẹp này”. Trong khi đó, theo các đại biểu, do ĐBSCL là một trong những “điểm nóng” của nạn biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng nên đã gia tăng tác động tiêu cực đến môi trường biển nơi đây ngày càng quyết liệt và khốc liệt.  
Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu lo lắng hơn là mãi đến nay hành lang pháp lý bảo vệ môi trường biển chưa đủ để răn đe, ngăn chặn và hạn chế những hành vi xâm hại đến môi trường biển. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu cụ thể để tham gia hiến kế và đề xuất các giải pháp khả thi trong việc bảo vệ môi trường biển vẫn chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện.
Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét